Đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết tại kỳ họp ở Paris (Pháp) ngày 10/4,hội đồng UNESCO đã quyết định vinh danh Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018).
Theo hồ sơ,ông là nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam,sở hữu hơn 700 tác phẩm viết trong giai đoạn 1951-2010. Với chất liệu đa dạng,nhiều hình thức và thể loại,các tác phẩm của nhạc sĩ thể hiện mối quan hệ của ông với lịch sử và xã hội của Việt Nam,đặc biệt là số phận của phụ nữ và các tầng lớp yếu thế.
Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân cung cấp thông tin có giá trị cho các học giả nghiên cứu về sự phát triển văn hóa và âm nhạc ở Việt Nam trong bối cảnh hậu thuộc địa,cũng như những hiểu biết sâu sắc về giao lưu văn hóa trong khối xã hội chủ nghĩa.
Bộ sưu tập cũng minh họa cho sự cộng sinh của truyền thống âm nhạc châu Âu và châu Á,thể hiện tầm quan trọng của sự giao thoa giữa các dòng âm nhạc phương Đông và phương Tây.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh,Đại sứ,Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO,cho rằng nhờ thể loại,hình thức âm nhạc cùng nội dung sâu sắc,bộ sưu tập đáp ứng được nhiều tiêu chí quan trọng của tổ chức,là tiêu chí ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu.
Bản thu gốc ca khúc 'Quảng Bình quê ta ơi'
Ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Video: YouTube Nhạc sĩ Hoàng Vân Official
Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội,trong một gia đình nho học. Sau năm 1954,ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh,Trung Quốc. Khi về nước,ông chỉ huy dàn nhạc,chỉ đạo nghệ thuật đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam,đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên,Trương Ngọc Ninh,Văn Thành Nho,Phú Quang. Năm 1975,ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia,Bulgaria.
Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc,Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình,Tin chiến thắng,Chiến thắng Tây Bắc. Năm 1954,ông sáng tác bài hát nổi tiếng Hò kéo pháo. Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc,hợp xướng,hòa tấu. Ngoài ra,ông viết nhạc cho phim,kịch nói,chèo,cải lương. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018). Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Ngoài Hò kéo pháo,Hoàng Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng về các tỉnh thành và các ngành nghề như: Tôi là người thợ lò,Hà Nội - Huế - Sài Gòn,Quảng Bình quê ta ơi,Bài ca giao thông vận tải,Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng. Sau 1975,ông sáng tác Bài ca xây dựng,Hát về cây lúa hôm nay,Tình ca Tây Nguyên. Ông còn viết các ca khúc thiếu nhi Mùa hoa phượng nở,Em yêu trường em,Con chim vành khuyên. Ông cũng là tác giả nhiều hợp xướng,khí nhạc và phụ trách âm nhạc nhiều bộ phim nổi tiếng như Con chim vành khuyên,Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,Em bé Hà Nội.
Nhạc sĩ qua đời năm 2018,ở tuổi 88. Ông có con gái là Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh,con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Trước đó,Việt Nam có ba di sản tư liệu thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn,châu bản triều Nguyễn,82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu.
Cũng trong ngày 10/4,các thành viên UNESCO thông qua quyết định khuyến nghị việc vinh danh và kỷ niệm ngày sinh một số danh nhân trên thế giới,trong đó có Lê Quý Đôn (1726-2026). Việc phê duyệt sẽ được Đại hội đồng tiến hành vào tháng 11. Theo Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh,Đại hội đồng thường chấp thuận đề xuất của hội đồng chấp hành.
Lê Quý Đôn sinh tại làng Diên Hà,huyện Diên Hà,trấn Sơn Nam,nay là thôn Đồng Phú,xã Độc Lập,huyện Hưng Hà,tỉnh Thái Bình. Ông được mệnh danh là "túi khôn của thời đại" - nhà bác học lớn nhất Việt Nam ở thế kỷ 18.
Từ nhỏ,ông đã nổi tiếng thông minh,ham học,trí nhớ siêu phàm. Năm 5 tuổi,ông đã đọc Kinh Thi,12 tuổi đọc hết Bách Gia Chư Tử,17 tuổi đỗ đầu kỳ thi hương. Phan Huy Chú từng nhận xét: "Ông là người học vấn rộng khắp,đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên,không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả,không chỗ nào không đạt tới,thật là phong cách đại gia".
Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác,ông đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách bao quát hầu hết tri thức đương thời như lịch sử,địa lý,thi ca,nhiều tác phẩm khảo cứu,diễn nghĩa,chú giải,bàn giảng các kinh điển,cổ thư và nhiều tác phẩm thơ Nôm.
UNESCO là tên viết tắt của Tổ chức Giáo dục,Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc,tổ chức chuyên môn lớn của Liên hợp quốc,thành lập năm 1945,mục tiêu thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới thông qua hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục,khoa học,văn hóa và thông tin. UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên,12 quan sát viên,53 văn phòng thực địa khu vực và 199 ủy ban quốc gia,trụ sở đặt ở Paris,Pháp. Tổ chức được điều hành bởi Đại hội đồng,gồm các đại diện của tất cả quốc gia thành viên và quan sát viên.
Hà Thu