"Hành trình du lịch xanh" là chiến lược quảng bá chung thu hút khách du lịch mới nhất của ba tỉnh Ninh Bình,Nghệ An,Thanh Hóa,được công bố trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế (VITM) 2025 diễn ra từ 10 đến 13/4 tại Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa,bà Vương Thị Hải Yến nhận định du lịch xanh,du lịch bền vững đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và giá trị văn hóa không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lâu dài về kinh tế - xã hội.
Biển Cửa Lò đông khách mỗi dịp hè. Ảnh: Văn Hải
Nghệ An,Ninh Bình có nhiều điểm tương đồng như đất rộng,sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú,đa dạng,hệ sinh thái tự nhiên cùng các di sản văn hóa,lịch sử lâu đời.
Các điểm đến đều có những địa danh nổi bật,thu hút du khách như Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình),Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa),Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Ba điểm đến cũng có các di tích quốc gia đặc biệt như Khu di tích Kim Liên,Truông Bồn (Nghệ An),Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình),Lam Kinh (Thanh Hóa).
Đặc biệt,ba tỉnh đều sở hữu các di sản được UNESCO công nhận. Trong đó,Ninh Bình có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An,Thanh Hóa có Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và Nghệ An có Di sản phi vật thể thế giới dân ca Ví,Giặm Nghệ Tĩnh. Ba địa phương còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như hò Sông Mã,dân ca Đông Anh (Thanh Hóa),hát chèo,xẩm Ninh Bình.
Với nguồn tài nguyên phong phú kể trên,ba tỉnh đang kết hợp để tạo ra các sản phẩm như Hành trình qua các miền kinh đô Việt Cổ (Di tích Cố đô Hoa Lư,Thành nhà Hồ và Đền thờ Vua Quang Trung),Khám phá Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát Nghệ An - Bến Én Thanh Hóa - Ninh Bình.
Khung cảnh lễ hội ở Ninh Bình. Ảnh: Giang Huy
Các chuyên gia cho rằng việc ba điểm đến kết hợp làm tour du lịch xanh sẽ tạo ra các sản phẩm liên tiếp quanh năm thu hút du khách,tránh được tính thời vụ trong du lịch.
Tuy nhiên,sự kết hợp này cũng đối mặt nhiều khó khăn vì các điểm du lịch của ba tỉnh vẫn chưa phát triển đồng bộ. Một số nơi còn thiếu cơ sở lưu trú cao cấp,hoạt động trải nghiệm chưa chuyên nghiệp hoặc phong phú. Bên cạnh đó,các cơ quan quản lý cũng chưa có các chính sách cụ thể để đánh giá tiêu chuẩn du lịch xanh.
Dự kiến trong năm nay,ba tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến chung nhằm quảng bá sản phẩm du lịch liên kết,đồng thời định vị thương hiệu du lịch vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Bà Yến kỳ vọng sự kết hợp của ba vùng di sản sẽ tạo ra những cơ hội mới,góp phần đưa du lịch vùng lên "một tầm cao mới".
Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu cho biết ba địa phương cùng hướng tới các sản phẩm du lịch xanh,tăng trải nghiệm cho du khách "rất phù hợp" với xu hướng toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên,để hành trình du lịch liên tuyến đạt hiệu quả,các tỉnh cần tăng cường kết nối tuyến điểm cũng như trải nghiệm cho du khách,thu hút khách lưu trú dài này.
"Muốn vậy,các tỉnh cần phát huy rõ giá trị văn hóa,hệ sinh thái nổi bật của riêng mình",ông Siêu nói.
Phương Anh