"Giá như tôi không ham đầu tư thêm cơ sở kinh doanh quán ăn mới thì Tết này tôi rủng rỉnh,có vài trăm triệu trong tài khoản để tiêu xài.
Thay vì đó thì lại lâm cảnh nợ nần mà kinh doanh cũng không hiệu quả. Cơ sở chính phải gồng gánh thêm bên mới. Mệt mỏi và hối hận vô cùng".
Độc giả sonthanhnguyen6789 bình luận như trên,bày tỏ hối hận khi đầu tư thêm chi nhánh kinh doanh,phải gồng lỗ. Bình luận này được viết sau những chia sẻ về tình hình kinh doanh khó khăn của ngành ăn uống trong năm qua.
Độc giả Thuỳ Ngân tiếp lời: "Hai vợ chồng tôi cũng từng kinh doanh ngành ăn uống được 5 năm,đã kết thúc vào năm 2022. Bây giờ,cả hai đã chuyển sang ngành nghề khác,cảm thấy ổn định và tinh thần thoải mái hơn".
Kinh doanh quán nhậu không chỉ bây giờ mới khó khăn,bạn đọc Kevin Nguyen chia sẻ từ 10 năm trước đã gặp tình cảnh hai lần thất bại:
"Hơn 10 năm trước,tôi cũng lao vào mở nhà hàng,quán nhậu,vì thấy quán nào cũng đông khách. Kết quả là thất bại cả hai lần. Rút ra bài học rằng,bạn chỉ nhìn thấy những quán đông và người thành công,còn những quán phải đóng cửa hay người thất bại thì bạn không thấy,vì họ không còn tồn tại để bạn nhận ra nữa".
Trên cương vị người tiêu dùng,độc giả nickname Tanukichi nói:
"Những quán ăn tôi có thể chấp nhận ăn hàng ngày chỉ là:
- Quán bán tại nhà.
- Quán ở sân đình,làng,hoặc khu phố chung.
Những quán này có mặt bằng rẻ,chi phí thấp. Ngược lại,các quán mới mở phải thuê mặt bằng giá cao hơn,định lượng cũng ít hơn,rất khó cạnh tranh.
Nhà bạn tôi có một quán ăn mặt phố,bán cho người trong khu vực ăn tại chỗ hoặc mang đi,giá chỉ 25.000 đồng một bát. Nhưng ở khu vực công ty tôi,giá tương tự đã là 35.000 đồng một bát".
Cùng chung nhìn nhận,độc giả nickname Đại Cathay:
"Đã đến lúc cần thay đổi tư duy trong kinh doanh. Ngày xưa,gia đình rủ nhau đi ăn nhà hàng thuần túy,nhưng bây giờ mọi người thích vào các trung tâm thương mại,chọn những chuỗi nhà hàng nhượng quyền vừa ngon,bổ,rẻ,lại không lo bị chặt chém.
Việc các quán ăn đóng cửa là điều tất yếu. Tương lai,các cửa hàng bán lẻ cũng sẽ chịu cảnh rất khó khăn vì cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử".
Độc giả khuongna06 đưa ra dự báo:
"Như năm trước,các nhãn hàng thi nhau thuê KOL,KOC để quảng bá,nhưng năm nay đã giảm rõ rệt. Những doanh nghiệp tự sản xuất còn đỡ,chứ nhập hàng về mà không bán được thì chỉ có nước bung nhanh để xả hàng,làm công mà vỡ nợ lúc nào không hay. Cuối năm,nhiều nơi cùng nhau xả hàng,kết quả là âm cả vốn.
Ngành ăn uống năm sau sẽ phải đối mặt với áp lực khủng khiếp do cạnh tranh quá gay gắt. Có lẽ vì đã đổ dồn quá nhiều vốn,nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Sang năm 2025,sẽ có làn sóng tháo chạy khỏi ngành này vì không có lợi nhuận,trong khi làm chủ lại càng khó khăn hơn.
Nếu kinh doanh mà làm đúng thủ tục,giấy tờ,đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt chuẩn như các thương hiệu lớn,giá phải tăng ít nhất 2-3 lần so với hiện tại. Còn kinh doanh online thì không cần chuẩn mực,phá giá còn khủng khiếp hơn,khiến các cửa hàng thuê mặt bằng không thể cạnh tranh".
*Quan điểm của bạn thế nào? Bạn có đang gặp khó khi kinh doanh quán cà phê,quán ăn? Gửi bài viết chia sẻ tại đây.
Thành Đô tổng hợp