Hồi cuối tháng 10,tại tọa đàm quốc tế về ứng dụng tư duy máy tính và các kỹ năng trong thời đại AI ở Đại học Bách khoa Hà Nội,cô Vàng Thị Dính,37 tuổi,giáo viên Toán,trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đồng Văn,khiến nhiều người bất ngờ.
Đứng trước các chuyên gia,đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và nhiều cơ quan ngoại giao,người phụ nữ trong trang phục truyền thống của người Mông tự tin trình bày kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy môn Toán. Cô nói tư duy máy tính và trí tuệ nhân tạo đã giúp mình soạn thảo,lên ý tưởng cho từng nội dung bài dạy.
"Cô Dính rất xuất sắc. Tinh thần học hỏi,đổi mới,đặc biệt hội nhập của cô ấy thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ",kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn,thành viên Liên minh STEM,nhận xét.
Cô Dính thuyết trình tại Đại học Bách khoa Hà Nội,hồi tháng 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Dính tốt nghiệp ngành Toán - Tin của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang năm 2007. Cơ duyên đến với robot,STEM (phương pháp giáo dục về khoa học,công nghệ,kỹ thuật,toán học),và AI của cô bắt đầu năm 2023. Được tặng nhiều bộ robot giáo dục KCbot,Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức cuộc thi cho giáo viên. Cô Dính và một đồng nghiệp được trường cử tham gia.
"Tôi chẳng biết gì. Nghe robot hay STEM rất xa lạ",cô nhớ lại.
Lúc đầu,cô Dính không mấy hào hứng,chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cô xem các video hướng dẫn rồi mày mò lắp ráp. Học về robot,STEM cũng cần biết một số thuật ngữ tiếng Anh nên cô Dính vừa học vừa tra cứu. Phần nào chưa hiểu,cô lại gọi điện cho bạn bè và các chuyên gia ở Hà Nội nhờ giúp đỡ.
Lắp ráp có thể làm theo video nhưng lập trình phải sử dụng cả kiến thức Toán và Tin. Mới đầu,cô Dính không làm được. Cô kiên trì làm lại mỗi khi sai,rút kinh nghiệm đến khi làm được đề bài mới thôi. Càng thực hành nhiều,cô Dính càng tò mò,thích thú.
"Tôi thức đêm để lập trình,các việc khác gần như bỏ hết. Lúc ấy,chỉ cần robot cử động là mừng lắm rồi",cô Dính kể.
Lần đó,nhóm của cô Dính giành giải ba với dự án Robot quản sinh. Cô và đồng nghiệp nghĩ ra sản phẩm này để học sinh không mất trật tự trong giờ tự học. Robot có thể di chuyển được nhiều vị trí trong lớp,khi phát hiện tiếng ồn sẽ báo hiệu qua loa.
Học sinh vùng cao Hà Giang thực hành robot
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đồng Văn thực hành robot. Video: Nhân vật cung cấp
Sau khi đạt giải,cô Dính có thêm động lực và đam mê với robot,STEM. Theo cô,học sinh ở trường là người dân tộc thiểu số,điều kiện khó khăn khiến nhiều em bỏ học sớm. Cô muốn tiếp cận kiến thức mới để truyền cảm hứng và niềm yêu thích khoa học đến với học trò,giúp hạn chế tình trạng này.
Mùa hè năm ngoái,suốt ba tháng,cô tham gia khóa học lập trình online của STEAM for Vietnam - tổ chức phi lợi nhuận gồm nhiều chuyên gia,kỹ sư người Việt. Cùng thời gian này,cô Dính từ Hà Giang xuống Hà Nội hai ngày học khóa học do giáo sư Do Yong Park,học giả Fulbright về giáo dục STEM của Đại học Bang Illinois,Mỹ,dạy. Lớp miễn phí cho học viên ở vùng khó khăn nhưng kinh phí đi lại,ăn ở,cô phải tự túc.
Về trường,cô thành lập câu lạc bộ robot và STEM; tổ chức Ngày hội STEM cho học sinh. Năm nay,câu lạc bộ nhận được nhiều đơn đăng ký hơn,đặc biệt từ học sinh nữ.
Hồi đầu năm,cô Dính dẫn đoàn học sinh thi giải robot VEX IQ toàn quốc ở Hòa Lạc. Cô cho hay tuy không được giải nhưng nhiều học trò lần đầu tiên được đi xa,lại tham gia lĩnh vực mới nên rất hào hứng.
Mới đây,cô cùng Phòng giáo dục huyện Đồng Văn tổ chức tập huấn công nghệ robot ảo VEX VR của Mỹ cho 20 trường THCS trên địa bàn. Cô cũng xin được tài trợ 12 hộp robot chuyên dùng và hướng dẫn lập trình cho đồng nghiệp ở 6 trường tiểu học,THCS.
Hôm 16/11,cô Dính được huyện Na Hang,Tuyên Quang mời nói chuyện về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong dạy học với khoảng 900 giáo viên.
Học sinh học Toán qua dự án quạt giấy ứng dụng STEM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo cô Dính,những kiến thức về STEM và AI đã giúp cô thay đổi cách dạy học với môn Toán. Trước đây,kiến thức chủ yếu là lý thuyết,học sinh không làm ra hay nhìn thấy ứng dụng thực tế. Còn giờ,cô hướng dẫn các em thực hành nhiều hơn,chẳng hạn dựa vào bán kính,số đo góc của tâm để tạo ra một chiếc quạt giấy.
"Học sinh làm rất tốt. Các em cũng hào hứng áp dụng STEM",cô đánh giá.
Thầy Đặng Quốc Hoàng Huân,Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đồng Văn,nhận xét cô Dính năng động,chịu khó và say mê công nghệ.
"Cô Dính là giáo viên có năng lực",thầy Huân chia sẻ. Từ đó,cô "truyền lửa" cho nhiều học trò trong và ngoài nhà trường,là tấm gương cho đồng nghiệp về nỗ lực học hỏi.
Hiện cô Dính và các học sinh tập luyện cho vòng khu vực của giải robot quốc gia,dự kiến tổ chức vào đầu năm sau. Cô cũng muốn trau dồi tiếng Anh để đọc được tài liệu và tự tin tham gia hội thảo quốc tế.
"Tôi sẽ tiếp tục học để chuyển tải kiến thức đến với mọi người,thúc đẩy sự thay đổi cuộc sống của học sinh vùng cao",cô Dính nói.
Bình Minh