Thụy Điển hôm 18/11 bắt đầu cung cấp cho người dân những cuốn cẩm nang dày 32 trang với tiêu đề "Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh nổ ra",chứa thông tin về cách chuẩn bị để đối phó với chiến tranh,thảm họa thiên nhiên,các cuộc tấn công mạng và khủng bố.
Cẩm nang là phiên bản cập nhật của tài liệu mà Thụy Điển đã phát hành 5 lần kể từ Thế chiến II và sẽ được gửi đến 5,2 triệu hộ gia đình trong hai tuần tới. Phiên bản mới không đề cập tên quốc gia cụ thể nào mà Thụy Điển cho là sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh với nước này.
"Mức độ đe dọa quân sự ngày càng tăng. Chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Thụy Điển",tài liệu cho hay,đồng thời hướng dẫn người dân dự trữ thực phẩm để được lâu,nước uống,luôn mang theo tiền mặt và trồng rau quả trong vườn.
Người đàn ông cầm cẩm nang "Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra" tại Stockholm,Thụy Điển hôm 18/11. Ảnh: AFP
Thụy Điển bắt đầu phát hành cẩm nang ứng phó kịch bản chiến tranh cho người dân từ năm 1961. Lần gần đây nhất tài liệu được phát hành là vào năm 2018. Phiên bản năm 2024 tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho chiến tranh so với 6 năm trước đây.
Cuốn sổ được in bằng cả tiếng Thụy Điển và tiếng Anh,trong khi phiên bản kỹ thuật số sử dụng thêm nhiều ngôn ngữ khác,như Arab,Ba Tư,Ukraine,Ba Lan,Somalia và Phần Lan.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc,Thụy Điển cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng,thay vào đó tập trung nỗ lực quân sự vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế. Tuy nhiên,tình hình đã đảo ngược sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Kể từ đó,Stockholm áp dụng lại chế độ nghĩa vụ quân sự,tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và bố trí lại đơn vị đồn trú trên đảo Gotland ở Biển Baltic. Chính phủ cũng gia cố các hầm trú bom,tăng cường nguồn cung cấp nước uống và cơ sở hạ tầng giao thông,bổ nhiệm bộ trưởng phòng vệ dân sự và thành lập cơ quan chống thông tin sai lệch.
Từ khi chiến sự Ukraine bùng phát,Thụy Điển đã nhiều lần kêu gọi người dân chuẩn bị cả về mặt tinh thần và hậu cần cho khả năng xảy ra xung đột vũ trang.
Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin hồi tháng 1 gây chấn động khi cảnh báo "có thể xảy ra chiến tranh ở Thụy Điển". Vài ngày sau,Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển khi đó là Micael Byden cũng khiến nhiều người lo ngại vì phát biểu "người Thụy Điển phải chuẩn bị tinh thần cho chiến tranh".
Cũng trong ngày 18/11,chính phủ Phần Lan ra mắt trang web hướng dẫn người dân về cách chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng khác nhau.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga. Sau khi chiến sự Ukraine xảy ra,Phần Lan đã công bố kế hoạch xây dựng hàng rào biên giới với Nga cao ba mét,dài 200 km,được bao quanh bằng dây thép gai và dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Thụy Điển đã không tham gia cuộc chiến nào suốt hơn hai thế kỷ qua. Tuy nhiên,nước này cùng Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ để trở thành thành viên NATO trong năm nay.
Huyền Lê (Theo AFP)