Vệ tinh Starlink rơi xuống bốc cháy trên bầu trời Mỹ
Quả cầu lửa lao qua bầu trời Mỹ nhiều khả năng là vệ tinh Starlink. Video: Space
Hiệp hội Thiên thạch Mỹ (AMS) đã nhận được 36 báo cáo khác nhau khi quả cầu lửa bay qua các bang Colorado,Kansas,Texas và Oklahoma. Các quan sát chủ yếu tập trung quanh thành phố Oklahoma và vùng đô thị Dallas-Fort Worth.
Theo nhà thiên văn học kiêm người theo dõi phương tiện vũ trụ Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian,vật thể này nhiều khả năng là vệ tinh Starlink của SpaceX cháy trong khí quyển Trái Đất khi rơi xuống. Vệ tinh này rất có thể là Starlink-4682,thuộc lô 54 vệ tinh phóng lên quỹ đạo năm 2022 trong nhiệm vụ Starlink 4-23.
Theo báo cáo của những người chứng kiến gửi đến AMS,quả cầu lửa rất ấn tượng. "Đây là cảnh tượng tuyệt vời nhất từ trước đến nay",Kevin W.,người quan sát tại McKinney,bang Texas,viết.
Những người khác mô tả,quả cầu lửa dường như vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ rực cháy trên bầu trời. "Đó là một quả cầu lửa bị phân mảnh. Tôi thấy nó giống như một vùng sáng,sau đó trở nên rõ hơn,là một quả cầu lửa lớn bị vỡ ra",Ryan T. ở Kaufman,cho biết.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều vệ tinh Starlink hồi quyển và SpaceX tiếp tục phóng chúng hàng tuần,một số nhà thiên văn và nhà khoa học môi trường cho rằng tác động của những lần hồi quyển này chưa được hiểu rõ và có thể gây hại cho khí quyển Trái Đất.
Khi cháy trong khí quyển,các vệ tinh này thải ra oxit nhôm có hại,ảnh hưởng xấu đến tầng ozone bảo vệ Trái Đất và làm biến đổi khả năng phản xạ ánh sáng Mặt Trời. Cả hai yếu tố này đều làm thay đổi nhiệt độ của tầng khí quyển trên cao. "Nếu không hành động gì,chúng ta sẽ thấy tác động trên toàn cầu trong vòng 10 năm tới",Minkwan Kim,phó giáo sư ngành vũ trụ học tại Đại học Southampton,Anh,nhận định.
Những lần hồi quyển như vậy đôi khi tạo ra quả cầu lửa dễ thấy từ mặt đất,nhưng đa số vệ tinh rơi mà không được chú ý. McDowell cho biết,gần như ngày nào cũng có một vệ tinh Starlink rơi trở lại khí quyển,thậm chí vài vệ tinh cùng rơi.
Thu Thảo (Theo Space)