"Bảo quản sữa mẹ không đúng cách,trẻ sơ sinh khi sử dụng sẽ dễ bị ngộ độc,viêm ruột,nhiễm khuẩn huyết thậm chí là tử vong,mắc các bệnh lây truyền qua sữa mẹ như HIV,viêm gan B,C",bác sĩ Thức nói,tại phiên thảo luận Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,ngày 4/11.
Theo ông Thức,hiện nay có các hội nhóm thiện nguyện thu gom sữa mẹ,chuyển đến nhà mở cho trẻ em mồ côi. "Đây là hoạt động rất tốt,xuất phát từ lòng tốt,nhưng quy trình thu gom,vận chuyển,xử lý còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Bên cạnh đó,sữa mẹ được rao bán công khai hoặc trá hình ở dưới hình thức cho tặng,trao đổi trên các hội nhóm,mạng xã hội",thứ trưởng cho hay.
Các hội nhóm này tự phát nên chất lượng sữa không được đảm bảo do xử lý không đúng cách,làm biến chất,ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng,kháng thể tốt của sữa mẹ. Điều này gây nhiều nguy hại đến sức khỏe của trẻ.
Chưa kể,nhóm người "bán sữa mẹ" thường ở nhóm kinh tế xã hội thấp,sức khỏe và điều kiện dinh dưỡng hạn chế nên nguồn sữa không đảm bảo cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra,vắt sữa mẹ lâu ngày với số lượng nhiều sẽ gây thiếu hụt chất dinh dưỡng và suy kiệt cho người mẹ.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức. Ảnh: Nguyên Hạnh
Việt Nam hiện có 4 ngân hàng sữa mẹ hoạt động đúng tiêu chuẩn tại các bệnh viện,gồm Phụ sản Nhi Đà Nẵng,Nhi Trung ương,Từ Dũ,Hùng Vương. Quy trình vận hành ở đây nghiêm ngặt,xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý lây truyền,xác nhận bà mẹ không có các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá,uống rượu,xăm trổ... Người mẹ được hướng dẫn vắt,gom trữ sữa và vận chuyển đúng cách đến ngân hàng. Sữa được rã đông,xét nghiệm cấy tim vi khuẩn rồi được thanh trùng và xét nghiệm cấy tìm vi khuẩn lần hai,trước khi chia ra cho trẻ sơ sinh có nhu cầu sử dụng.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Trên thế giới,ngày càng nhiều ngân hàng sữa mẹ được tạo ra để đáp ứng nhu cầu về sữa mẹ hiến tặng. Ở Brazil và Mỹ Latinh có 217 ngân hàng sữa mẹ - được coi là hệ thống hiệu quả nhất trên thế giới. Kể từ khi thành lập ngân hàng sữa đầu tiên vào năm 1985,tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh Brazil giảm 73%.
Ông Thức đề nghị Chính phủ quan tâm quản lý các trang thông tin trên mạng xã hội,các phương tiện truyền thông để kiểm soát việc mua bán sử dụng trái phép sữa mẹ. Cần có chính sách phạt nghiêm trường hợp mua bán sữa mẹ không hợp pháp để tránh hậu quả. Giáo dục để mọi người hiểu những nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi sử dụng sữa mẹ không đạt tiêu chuẩn.
Nhà nước cần có chính sách vận động "hiến tặng sữa mẹ như là hiến máu tình nguyện" để đảm bảo nguồn sữa mẹ đạt chuẩn đến trẻ sơ sinh và trẻ mồ côi,khuyến khích sản phụ tự nguyên tham gia hiến tặng vì mục đích nhân văn chứ không vì mục đích thương mại. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người hiến tặng sữa như cung cấp chai để chứa,hỗ trợ các chi phí vận chuyển sữa.
"Nên có chính sách một cách chính quy để tôn vinh các bà mẹ hiến sữa,như hỗ trợ chế độ dinh dưỡng hay các thực phẩm chức năng,vitamin hay quyền lợi được khám trẻ con các bà mẹ hiến",bác sĩ Thức nói.
Nhân viên làm việc trong ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thành Nguyễn
Ông Thức nêu thực trạng việc phân phối sữa mẹ đến trẻ sơ sinh hiện nay chưa hợp lý. Các bệnh viện ở hầu hết tỉnh thành vẫn chưa phủ đủ nhu cầu cho các trẻ sinh non,trẻ sơ sinh bệnh lý. Trẻ mồ côi hoặc trẻ sơ sinh nhưng mẹ bệnh phải điều trị ở nơi khác cũng không được nhận nguồn sữa mẹ hiến tặng. Chi phí sữa mẹ cho người nhận có thể vẫn là một thách thức,đặc biệt ở nhóm người có thu nhập thấp,với mức giá khoảng 1.300 đồng một ml.
Do đó,Việt Nam cần tăng quy mô hoạt động và số lượng các ngân hàng sữa mẹ. Bảo hiểm y tế cần xem xét thanh toán chi phí sữa mẹ từ ngân hàng cho trẻ sơ sinh bệnh lý trong những ngày đầu hoặc các trường hợp đặc biệt như mẹ có bệnh lý cách ly với con,đang nằm điều trị hồi sức tích cực hoặc phải điều trị chuyên khoa ở bệnh viện khác. Trường hợp trẻ có mẹ chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ HIV,suy tim nặng...,bảo hiểm y tế cần thanh toán 1-3 tháng. Điều này sẽ góp phần tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam,ông Thức nhấn mạnh.
Lê Phương