VN-Index hôm nay dao động rất hẹp,chỉ quanh 4 điểm so với tham chiếu. Mở cửa,chỉ số này tăng nhẹ nhưng lực cầu xuất hiện lác đác. Chưa đầy một tiếng,chỉ số đã rơi về sắc đỏ sau đó rung lắc luân phiên giữa hai màu. Bên mua - bán giằng co qua lại mà không ghi nhận bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối hay nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt thị trường. Thanh khoản cũng rơi mạnh so với cùng kỳ hôm qua.
Chứng khoán đi dưới tham chiếu trước giờ nghỉ trưa và vài phút đầu giờ chiều. Lực cầu cải thiện hơn từ 13h15 giúp chỉ số đại diện sàn HoSE giữ vững sắc xanh và tăng lên mức cao nhất sát 1.249 điểm. Đây cũng là điểm nhấn duy nhất trong phiên giao dịch "ru ngủ" nhà đầu tư. Sau đó,chỉ số này hạ độ cao khi lực cầu dần rút lui,dòng tiền tham gia thị trường yếu hơn hẳn.
VN-Index đóng cửa ngày tiệm cận 1.245,8 điểm,tích lũy thêm hơn 1 điểm so với hôm qua.
Thị trường thể hiện rõ sự không đồng thuận khi có 187 mã tăng,không quá cách biệt so với 168 mã giảm. Ngay cả diễn biến ở từng cổ phiếu cũng cho thấy đây là phiên giao dịch ảm đạm khi biên độ biến động của từng mã chứng khoán không vượt quá xa so với tham chiếu.
Xét theo ngành,các nhóm viễn thông,du lịch - giải trí,ôtô,hóa chất có hiệu suất tốt nhất nhưng chủ yếu nhờ một số mã chủ đạo của ngành. Còn các cổ phiếu hút dòng tiền,vốn hóa lớn như bất động sản,ngân hàng hay chứng khoán lại cho thấy xu hướng xấu,phân hóa sâu sắc.
Thanh khoản sàn HoSE thấp hơn 4.900 tỷ so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt gần 11.000 tỷ đồng,là mức thấp thứ nhì trong gần hai tháng qua. Khối ngoại kéo dài chuỗi bán ròng lên phiên thứ 9. Hôm nay họ bán ròng hơn 850 tỷ đồng,tập trung vào MSN và VHM.
Nhìn chung cả phiên,dòng tiền tham gia thị trường nhỏ giọt,thể hiện rõ tâm lý thăm dò và thận trọng của nhà đầu tư. Điều này dễ hiểu khi hôm nay là ngày bầu cử tổng thống Mỹ và chứng khoán cũng đã trải qua thời gian dài diễn biến lình xình,thiếu vắng động lực dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu trụ.
Trong bản tin điểm lại thị trường hôm qua,Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng về ngắn hạn,VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn,nhất là nhóm ngân hàng. Trong khi đó,các nhóm mã vốn hóa trung bình đã chịu áp lực điều chỉnh từ trước,nên đến nay đã khá cân bằng,dần phân hóa phục hồi.
Diễn biến không phân định xu hướng rõ nét cũng được ghi nhận ở sàn HNX và UPCoM. Cả hai đóng cửa trên tham chiếu nhưng số lượng cổ phiếu tăng và giảm không quá cách biệt và không xuất hiện nhóm dẫn dắt thị trường.
Tất Đạt