Bác sĩ Trần Thị Trà Phương,khoa Dinh dưỡng Tiết chế,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội,cho biết bảo quản một số loại thực phẩm không đúng cách,hâm đi hâm lại dễ phát sinh vi khuẩn gây độc.
Cơm là nguồn cung cấp tinh bột phổ biến,nhưng khi hâm nóng lại nhiều lần tạo điều kiện cho bào tử vi khuẩn Bacillus cereus phát triển. Vi khuẩn này sinh sôi tiết ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm. Bảo quản cơm trong tủ lạnh sau khi nguội,tránh để lâu ở nhiệt độ phòng,chỉ nên hâm nóng lại một lần.
Khoai tây có thể trở thành môi trường cho vi khuẩn Clostridium botulinum sinh sôi nếu bảo quản và hâm nóng không đúng cách. Để tránh nguy cơ này,gia đình chỉ nên chế biến khoai tây đủ cho một bữa ăn. Bảo quản khoai tây trong tủ lạnh khi ăn không hết,hâm nóng một lượng vừa đủ dùng.
Nấm chứa nhiều protein dễ bị thay đổi cấu trúc khi hâm nóng lại,dẫn đến sinh ra nhiều chất oxy hóa gây hại cho hệ tiêu hóa. Nên ăn nấm ngay sau khi chế biến để bảo toàn dinh dưỡng.
Trứng cung cấp protein chất lượng cao nhưng dễ bị biến đổi khi tiếp xúc với nhiệt độ cao nhiều lần. Quá trình thay đổi cấu trúc protein có thể khiến cơ thể khó tiêu hóa.
Thịt gà tương tự như trứng dễ thay đổi cấu trúc protein khi hâm lại gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Để đảm bảo chất lượng,nên chia nhỏ và bảo quản thịt gà nấu chín ngay sau bữa ăn,chỉ hâm nóng phần cần dùng.
Rau có hàm lượng nitrat cao như rau bina,củ cải,cà rốt,cần tây chứa hàm lượng nitrat cao. Hâm nóng lại rau sau khi chế biến khiến nitrat có thể chuyển thành nitrit - chất có liên quan đến nguy cơ gây ung thư. Các loại rau này nên dùng ngay để an toàn cho sức khỏe.
Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm,bác sĩ Trà Phương khuyến cáo chia thực phẩm thành từng phần nhỏ,để nguội,bảo quản trong tủ lạnh dưới 5 độ C trong vòng hai giờ sau khi nấu. Khi hâm nóng,đảm bảo nhiệt độ bên trong thực phẩm đạt ít nhất 75 độ C.
Bình An
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp