Ngày 1/11,ông Đặng Hùng Thái,Giám đốc Ban quản lý dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết công trình chống ngập trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại xã Sông Phan,huyện Hàm Tân đã sẵn sàng vận hành.
Hạng mục chính nằm bên phải cao tốc (hướng từ bắc vào nam) là bức tường chống ngập dài hơn 130 m,dày 0,7-0,8 m,cao 1-2,85 m,được làm bằng đá; đoạn trên cống thoát đúc bằng bêtông. Tường giúp đoạn trũng của cao tốc không bị ngập khi nước sông Phan dâng cao bất thường do mưa lớn.
Hai bức tường và trạm bơm tự động chống ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã hoàn thành. Ảnh: Việt Quốc
Bên kia đường,một bức tường tương tự cũng đã hoàn tất sẽ giúp giữ ổn định nước dọc rãnh bên đường. Ngoài ra,các hạng mục liên quan như: trạm đặt hai máy bơm,gia cố taluy,rãnh nước... cũng đã xong vào cuối tháng 10. Trong đó,trạm bơm sẽ tự động bơm nước ra phía sau cống thoát ngay điểm trũng khi nước dâng lên cao.
Dầu Giây - Phan Thiết là một trong 5 đoạn cao tốc nối TP HCM với Nha Trang. Tháng 7/2023,sau 3 tháng đưa vào khai thác,trên tuyến đã xảy ra tình trạng ngập nước sau mưa lớn,gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Nguyên nhân được cho là mặt đường trũng thấp,khi mưa lớn,nước ở chỗ cao dồn về,nước sông Phan lại dâng lên khiến lũ không thoát kịp.
Hoàn thành công trình chống ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Toàn cảnh công trình chống ngập trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Video: Việt Quốc
Sau khi tính toán,các đơn vị liên quan đã chọn phương án tối ưu là xây tường chống ngập và hệ thống bơm tự động để ngăn nước ngập vào cao tốc khi mưa lớn. Dự án có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng huy động từ đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công,không dùng kinh phí nhà nước.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km,nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận,có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng,thông xe cuối tháng 4/2023. Cùng với các đoạn khác,tuyến đường giúp rút ngắn gần một nửa thời gian từ TP HCM đi Nha Trang,từ 9-10 giờ còn 4-5 giờ.
Vị trí xảy ra ngập trên cao tốc hồi tháng 7. Đồ họa: Khánh Hoàng
Việt Quốc