Sáng 22/10,UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) có buổi làm việc để thảo luận về dự án điện gió ngoài khơi trị giá 4,6 tỷ USD. Đại diện tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch Phạm Anh Tuấn; đại diện tập đoàn PNE là ông Per Hornung Pedersen,Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Per Hornung Pedersen,Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn PNE (Đức) làm việc sáng 22/10. Ảnh: Trang Trang
Sau đó,Chủ tịch Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng lãnh đạo tập đoàn PNE đi dọc bờ biển khảo sát dự án.
PNE có kinh nghiệm 25 năm về phát triển dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi. Đề xuất làm dự án điện gió 1,5 tỷ USD từng được doanh nghiệp này nêu tại buổi làm việc giữa Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (cơ quan đại diện của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên Bang Đức) và tỉnh Bình Định 4 năm trước.
Với đường bờ biển 134 km,Bình Định được đánh giá là nơi thuận lợi để làm dự án. Song việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý và cơ chế đặc thù.
Ông Phạm Anh Tuấn ( áo xanh) và các lãnh đạo PNE xem bản đồ bên bờ biển để chọn vị trí thực hiện dự án. Ảnh: Trang Trang
Tại buổi khảo sát,PNE thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án,với đề xuất quy mô công suất 2.000 MW,được chia thành 3 giai đoạn,tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn khoảng hơn 1,5 tỷ USD).
Khi đưa vào vận hành,mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng,góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội,tạo thêm nhiều việc làm,tăng thu ngân sách địa phương và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Ông Phạm Anh Tuấn,Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng,để dự án có thể thực hiện thuận lợi,cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương,các bộ ngành liên quan và nhà đầu tư.
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi,với công suất dự kiến lên đến 6.000 MW theo Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên,đến nay chưa có dự án nào chính thức được cấp phép đầu tư do thiếu cơ chế đặc thù và khung pháp lý rõ ràng.
Tại tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hôm 16/10,ông Nguyễn Tuấn,Trưởng ban Thương mại của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - thuộc PVN) cho biết,Việt Nam đã chủ động được nhiều khâu trong phát triển điện gió ngoài khơi như khảo sát,mua sắm,thi công lắp đặt trạm biến áp ngoài khơi đến quản lý vận hành,tàu dịch vụ phục vụ dự án gần bờ.
Song,theo ông Tuấn,nếu không đủ hành lang pháp lý,mục tiêu 6.000 MW đặt ra tại Quy hoạch Điện VIII khó đạt được. Do đó,ông đề xuất cơ quan quản lý có các chính sách ưu đãi đột phá với loại hình này. "Làm 1 GW điện gió ngoài khơi tốn kém mấy tỷ USD. Nếu không có cơ chế ưu đãi thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi",ông nói. Các chính sách được nêu gồm miễn giảm tiền sử dụng đất,mặt nước,giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,hoặc hỗ trợ về vốn vay.
Ngoài PNE,trước đây có nhiều nhà đầu tư muốn làm điện gió ngoài khơi ở Việt Nam,đơn cử như Tập đoàn CIP (Đan Mạnh) đề xuất dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5 GW tại Bình Thuận. Cách đây hơn hai năm,36 nhà đầu tư trong nước từng xin khảo sát điện gió ngoài khơi. Nhưng lúc đó,Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị dừng cấp phép do vướng pháp lý.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW. Nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.
Phạm Linh