ERIN là hệ thống kết nối các nguồn lực với những người cần trợ giúp trong các tình huống khẩn cấp,ứng dụng công nghệ,dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động,giúp quá trình phản hồi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Đây cũng là đội ngũ từng xây dựng hệ thống thông tin cứu hộ miền Trung và Thầy thuốc Đồng hành giai đoạn Covid-19 trước đây. Ngày 13/9,mạng lưới chuyển hướng sang tiếp nhận,xử lý thông tin cứu nạn,cứu trợ sau bão số 3,dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đồng hành cùng Trung tâm Tình nguyện Quốc gia.
Giao diện website Mạng lưới thông tin cứu nạn khẩn cấp ERIN. Ảnh: Lưu Quý
ERIN quét thông tin trên mạng xã hội,hoặc do người dùng chủ động gọi điện đến đầu số 18006132,nhắn tin qua website. Sau đó,đội ngũ tình nguyện viên sẽ xác minh,đăng lên website đồng thời chuyển đến cơ quan chức năng tại địa phương.
Theo đại diện mạng lưới,từ khi bắt đầu chạy ngày 11/9,hệ thống đã tiếp nhận,xử lý thông tin cứu nạn từ 1.000 người dân. Nhóm hiện có hơn 500 tình nguyện viên hoạt động online giải đáp,hỗ trợ. "Việc hỗ trợ,điều hướng thông tin sẽ giúp hoạt động cứu trợ diễn ra suôn sẻ,hiệu quả,tránh chồng chéo,dư thừa,thiếu hụt",đơn vị này nói.
Nhóm phát triển cho biết người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ thời gian này có thể gọi đến đường dây nóng miễn phí. Đội cứu trợ sẽ tiếp nhận thông tin,tình trạng,làm rõ mong muốn cứu trợ và nguồn lực đang có. Cách làm này giúp họ có thể liên hệ ngay cả khi không có dung lượng 4G hay tiền điện thoại.
Thông tin sau khi xác minh sẽ được chuyển đến địa phương và có thể nhận phản hồi trong khoảng 3 giờ,đồng thời cập nhật trên website bởi Trung ương Đoàn.
Trong khi đó,các đội cứu trợ cũng có thể thông qua mạng lưới để chia sẻ thông tin và hỗ trợ điều phối,phân bổ hợp lý nhân lực và vật lực.
"Trong hoàn cảnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ,sự hỗ trợ,chung tay của tất cả các đơn vị,các tổ chức,cá nhân có ý nghĩa vô cùng to lớn",đại diện nhóm phát triển nói.
Lưu Quý