Tôi 30 tuổi,chồng hơn 10 tuổi,cưới nhau được bảy năm,có một bé gái năm nay học lớp một. Tôi thu nhập trung bình tháng 20 triệu đồng,chồng 30 triệu đồng,mỗi tháng chồng đưa 22 triệu. Nhìn bên ngoài,ai cũng nghĩ tôi có mọi thứ. Cuộc hôn nhân nào cũng bắt đầu từ hai phía và rạn nứt cũng có nguyên do từ hai phía.
Chồng tôi có ưu điểm là có trách nhiệm với gia đình,yêu con. Dù vợ chồng cãi nhau,hàng tháng đều chuyển đủ tiền cho vợ. Vợ thích mua gì thì mua,không phàn nàn tính toán. Tuy nhiên,anh có phần gia trưởng,khô khan và cực khó tính. Anh khó tính với mọi người,với tôi cũng vậy. Tôi không làm vừa ý anh,anh lẩm bẩm,cáu kỉnh. Tôi đi làm về trễ,anh khó chịu. Nấu món ăn chưa vừa ý,anh cũng thái độ. Thậm chí khi bê mâm cơm chuẩn bị ăn,bày biện trên mâm chưa hợp lý (do lúc bê đồ khá nhiều món) và chưa kịp sắp để ăn,anh cũng khó chịu. Anh luôn cho mình là đúng,còn tôi sai. Những lần tôi góp ý,anh bỏ ngoài tai và nghĩ tôi nông cạn.
Ngoài ra,tôi thấy anh không tôn trọng ba mẹ tôi. Ví dụ khi mẹ qua nhà chơi,dù anh ngồi ngay phòng khách nhưng không ra mở cổng cho mẹ,tôi phải từ trên tầng xuống mở cổng cho mẹ vào. Lúc vui,anh chào mẹ tôi,không vui anh lẩn vào trong phòng không thèm nói câu nào. Không riêng ba mẹ vợ,ba mẹ anh cũng vậy. Thi thoảng ông bà qua chơi,vui thì anh ngồi nói chuyện,không vui anh vào phòng,mặc ba mẹ ngồi ngoài chơi với cháu. Tôi đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng đâu lại vào đấy. Anh ứng xử xã hội rất kém. Còn nhiều vấn đề nữa nhưng lâu tôi cũng quên.
Tôi cảm thấy hạnh phúc trong hai năm đầu của hôn nhân. Từ khi có con,tôi chăm sóc con,còn anh như trai thời thanh niên. Anh hay đi nhậu với bạn bè. Cuộc sống vợ chồng dần chìm trong im lặng. Có một thời gian anh bị ốm đi viện cả tháng,bác sĩ khuyên sinh hoạt lành mạnh,bỏ rượu bia,thuốc lá nhưng chỉ được một thời gian đâu lại vào đó. Thời gian đầu tôi khuyên nhủ,sau thấy anh vẫn vậy nên chán không buồn nói. Anh lúc nào cũng nói hay nhưng không làm được,người thì bệnh nhưng không bỏ được rượu bia.
Về cuộc sống gia đình,nhiều khi tôi cũng tạo không khí gia đình. Cuối tuần rủ chồng cho cả nhà đi chơi nhưng anh luôn kêu mệt,nói đưa hết tiền cho vợ rồi,muốn dẫn con đi chơi đâu cũng được. Rủ nhiều lần không được,lâu dần tôi với con quen tự đi chơi với nhau. Tôi nuôi con nhỏ và thời điểm đó anh bị ốm đau lưng nên chuyện vợ chồng không diễn ra. Tôi hỏi lý do,chồng luôn biện cớ tôi chăm con nhỏ và đưa ra các lý do để từ chối. Bản thân chồng cũng yếu nhưng luôn bao biện không phải. Đôi khi tôi tủi thân và xem lại bản thân nhưng thấy mình không phải luộm thuộm cả ngày ôm con mùi sữa. Lâu ngày,tôi mặc kệ chồng vì lý do ở phía anh.
Xin nói thêm,lúc đầu tôi nghĩ chồng ngoại tình nhưng không phải,cũng không phải đồng tính. Vậy là từ lúc con một tuổi cho đến giờ,tôi và chồng ngủ khác giường,không ôm ấp,không chia sẻ tình cảm,cuộc sống cứ vậy trôi qua. Có khi ba ngày vợ chồng không nói với nhau một câu.
Tôi có ngoại hình và tính cách đều ở mức ổn,hướng nội,luôn coi trọng gia đình. Tôi có thể thu nhập gấp hai lần lương nhưng luôn ưu tiên gia đình lên hàng đầu. Về nhược điểm,theo chồng nói tôi lười. Thi thoảng tôi cũng lười nhưng ở mức độ cho phép và tôi gọi đó là cho phép bản thân nghỉ ngơi. Chồng luôn nói tôi phải dậy sớm từ 5h để dọn nhà cửa,tranh thủ làm việc những lúc con ngủ. Con thức thì mình phải thức cùng con,con ngủ mình tranh thủ thức làm việc. Nhưng tất cả việc nhà,cơm nước,con cái đều tôi làm. Trừ những lúc tôi bận,anh phải làm. Bình thường ngày nghỉ,anh ngủ đến 9h không ai nói,nhưng đợt này anh mất ngủ nên dậy sớm,thấy tôi dậy muộn nên khó chịu.
Anh so sánh tôi với mẹ chồng,bà quán xuyến nhà cửa,cơm nước chu đáo. Nhưng mẹ chồng tôi ở nhà nội trợ,hàng ngày đi chợ nấu ăn cho cả nhà,phục vụ ba chồng đến tận răng. Đôi khi,tôi thấy ba chồng có kiểu coi thường vợ. Vậy nên ba chồng ngoài 70 tuổi còn không biết chiên trứng. Khi mẹ chồng ốm,ba chồng không biết nấu bữa cơm đơn giản,khéo cơm không biết cắm. Tôi có phản biện lại chồng,tôi không sống được như vậy và cũng không dạy con sau này phải sống như vậy. Ở nhà ba mẹ tôi,mọi người đều bình đẳng. Ai về sớm sẽ nấu ăn,người không nấu sẽ rửa chén,không ai tị ai.
Ngoài nhược điểm phía trên chồng nêu,anh không đưa ra thêm được nhược điểm nào. Tôi là người đối nội,đối ngoại chủ yếu. Bạn bè,họ hàng bên chồng đều quý mến. Mấy người em họ bên chồng còn thắc mắc hỏi tôi làm sao có thể ở được với anh đến giờ. Tôi chỉ mỉm cười bởi chính tôi cũng không biết vì sao. Ba mẹ chồng không có điểm gì chê tôi,rất thương tôi,luôn khuyên tôi cố nhịn chồng,sống vì con. Tôi cũng rất thương ba mẹ chồng vì thấy chồng vô tâm với ba mẹ. Tôi là người nói chuyện,chia sẻ và cho con đến thăm ông bà để ông bà vui. Chồng ít khi qua,kể cả khi mẹ ốm cũng không gọi điện hỏi thăm một câu.
Tôi kể câu chuyện của mình cho hai người bạn và nhận được hai lời khuyên khác nhau. Người bạn thứ nhất khuyên tôi cứ bơ đi mà sống,hàng tháng chồng chuyển tiền,coi như không có tình cảm vợ chồng thì là tình đồng chí,như ở chung trọ. Lấy con làm niềm vui,hàng ngày mẹ con ăn chơi,cuối tuần đi chơi vui vẻ. Miễn sao chồng không quá đáng,vũ phu là được. Người bạn thứ hai thì nói với tôi,liệu chịu đựng cuộc sống như này đến bao giờ. Mình có học thức,ngoại hình,trí tuệ,tại sao lại phải sống cuộc sống cam chịu như hiện tại. Con ở với bố hay với mẹ đều được yêu thương,hạnh phúc,còn hơn sống trong ngôi nhà không có tiếng người.
Tôi không đến nỗi nào về mọi mặt,tại sao phải chịu đựng cuộc sống như giờ? Tôi không phải người quá tham tiền,nhiều khi nói với chồng không phải đưa tiền là coi thường vợ,có những lúc tôi bảo đừng đưa nhưng chồng cứ chuyển. Tôi và chồng đã có cuộc nói chuyện trực tiếp. Anh nói tôi là người tốt,nếu ly hôn sẽ lập được gia đình luôn,còn anh thì không. Anh nhận ra những nhược điểm của mình và nói chẳng ai buồn lấy mình,nhưng vẫn không chịu thay đổi. Nếu ly hôn,anh nhất định sẽ nuôi con. Tôi không muốn tranh giành vì bản chất chồng yêu và thương con. Tôi thương chồng nhưng nếu anh cứ sống như vậy,cảm thấy rất hiu quạnh. Tôi rất thương con vì không được ở cạnh con,con sẽ thiếu thốn,thiệt thòi. Và tôi cũng thương chính mình. Tôi nên làm gì đây? Mong các bạn đưa giúp tôi lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn.
Tuệ Tâm