Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sáng nay đến công viên nghĩa trang Hoàng Hoa Cương ở thành phố Quảng Châu,tỉnh Quảng Đông để đặt vòng hoa,dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái,trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu đã dành phút mặc niệm,bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của đồng chí Phạm Hồng Thái cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm dâng hoa tại mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái,ở Quảng Châu,Trung Quốc,ngày 18/8. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam
Phạm Hồng Thái là một chiến sĩ yêu nước sinh năm 1895 tại tỉnh Nghệ An. Ông tham gia tổ chức Tâm tâm xã do Hồ Tùng Mậu,Lê Hồng Phong sáng lập vào năm 1924,nhận nhiệm vụ ám sát toàn quyền Đông Dương Henry Merlin tại tô giới Sa Điện vào ngày 19/6/1924.
Việc không thành,Phạm Hồng Thái gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn. Sự kiện "Tiếng bom Sa Điện" đã gây chấn động báo chí và dư luận Trung Quốc lúc bấy giờ,góp phần khích lệ phong trào giải phóng dân tộc đang nổi lên khắp châu Á.
Nhân dân Quảng Châu đã mai táng ông trên ngọn đồi Nhị Vọng Cương,mộ hướng về tây nam để hồn ông luôn vọng về Tổ quốc. Năm 1925,chính quyền thành phố Quảng Châu chuyển phần mộ ông về khu nghĩa trang Hoàng Hoa Cương.
Phần mộ có dòng chữ "Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái" bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc nằm trong khu công viên Hoàng Hoa Cương,cùng một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật hành động anh hùng của ông.
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân dâng hương tại mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu sau đó đến thăm di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248-250) đường Văn Minh,thành phố Quảng Châu.
Đây là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu năm 1924-1927. Tại đây,Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị,đào tạo 75 cán bộ cách mạng Việt Nam.
Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đã được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn "Đường Kách mệnh",cẩm nang hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên,một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chuyến thăm,Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến hội kiến Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh và gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.
"Chuyến thăm của Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ là nguồn động viên lớn lao để thúc đẩy quan hệ giữa tỉnh Quảng Đông với địa phương Việt Nam,tạo đà phát triển mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác toàn diện,thực chất,hiệu quả và cùng thắng",Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Quảng Châu Quách Vĩnh Hằng (bên phải) trao quà lưu niệm cho Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân tại di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam
Quảng Đông và Việt Nam có quan hệ thân thiết,gắn bó toàn diện trên các lĩnh vực,đặc biệt là kinh tế,thương mại. Tỉnh là địa phương Trung Quốc có khối lượng trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam,chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc,kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Quảng Đông năm 2023 đạt 48,24 tỷ USD,trong đó Việt Nam xuất khẩu 22,89 tỷ USD. Quảng Đông là tỉnh có nhiều thành phố kết nghĩa với các địa phương của Việt Nam như Hà Nội,TP. Hồ Chí Minh,Bình Dương,Cần Thơ. Tỉnh này cũng là điểm đến xúc tiến đầu tư thương mại của nhiều địa phương Việt Nam.
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc ngày 18-20/8,theo lời mời của Tổng Bí thư,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân.
Ngọc Ánh (Theo TTXVN/Báo Thế giới và Việt Nam)